Ruộng hoa Cúc Mâm Xôi tại Tân Quy Đông, Đồng Tháp - Ảnh An Bùi |
Cũng vì tập quán đó mà ngày Tết đến xuân về, những hộ kinh doanh hoa lại phát triển mạnh hơn những ngày khác trong năm. Họ hình thành nên làng hoa, chợ hoa ở một số tỉnh miền tây. Đáng kể đến là làng hoa Tân Quy Đông, Sa Đéc, làng mai Phước Định, Vĩnh Long, làng cây kiểng Cái Mơn, Bến Tre, làng hoa Thới Nhựt, Cần Thơ, làng hoa Mỹ Tho, Tiền Giang…
Không phải ngẫu nhiên các làng hoa đều tập trung ở miền tây mà không phải là những nơi khác. Về địa lý, ở miền tây được thiên nhiên ưu ái có nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt thuận tiện cho việc tưới tiêu, đất đai phù sa màu mỡ giúp cây dễ phát triển, người dân quanh năm sinh sống bằng nghề nông, có nhiều kinh nghiệm về canh tác, tưới tiêu, chăm bón cho hoa. Thế nên có nhiều làng hoa rất lâu đời ở miền tây và nổi tiếng đến giờ, mỗi dịp tết về lại là nơi thu hút rất nhiều du khách và dân địa phương đến tham quan mua sắm.
Để chăm sóc được một chậu hoa kiếng, người làm vườn phải chú ý đến tỉa lá, tưới tiêu đúng thời điểm hợp lí, để người dân mua trước tết về trưng trong nhà, và hoa nở đúng dịp mồng Một tết.
Thú chơi hoa Tết của người Việt ví như một môn nghệ thuật bình dị mà thanh tao. Tết đến, dù bận bịu thế nào, nhưng người dân luôn đi chợ hoa chỉ để thưởng thức và ngắm nhìn những chậu hoa đủ màu sắc để cảm nhận được không khí Tết. Những người chơi hoa kiểng thì lại mong muốn nhiều hơn. Chậu hoa kiểng mang về trưng trong nhà phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác nhau. Tên hoa phải mang ý nghĩa họ mong muốn. Ví dụ: Cát tường ý nghĩa may mắn, hanh thông mọi việc, Vạn Thọ ý nghĩa sung túc, trường thọ, cây Phát Tài, Kim Ngân ý muốn tài lộc ngân lượng tuôn chảy dào dạt… Màu sắc của hoa cũng phải hợp mạng với gia chủ, theo phong thủy ngũ hành, theo quan niệm truyền thống. Ví dụ gia chủ mạng Thủy không trưng hoa màu đỏ (tượng trưng cho mạng Hỏa) sẽ dập tắt nước, gia chủ bị suy yếu, điềm xấu. Ngoài ra, lựa chọn hoa còn theo lứa tuổi, giới tính… Người cao tuổi thích hoa mai, đào vì đó là sự mạnh mẽ, cao thượng. Còn người trẻ thì thích hoa hồng, thược dược.. trẻ trung và năng động.
Đối với cây kiểng, người chơi còn phải cầu kỳ chăm chút về gốc rễ, dáng đứng của cây. Một cây kiểng đẹp phải có gốc to, vững chắc, dáng thẳng, cứng cáp, các cành lá sum suê, có lá – lộc – chồi mới thể hiện được sự may mắn, giàu có, sung túc cho gia chủ, hội tụ đủ nét tứ quý của năm. Bên cạnh đó, bonsai là loại cây kiểng được dân chơi hoa kiểng đặc biệt chú ý. Mỗi một chậu bonsai là một tác phẩm nghệ thuật với gốc làm trọng, to khỏe, bộ rễ nổi, thân mềm uốn lượn theo bàn tay của nghệ nhân làm vườn.
Dù thế nào, thì trong nhà của người dân Việt Nam không thể thiếu ba cây: Mai, Đào và Quất. Hoa Mai là biểu tượng ngày Tết ở miền Nam, mang ý nghĩa may mắn tốt đẹp, thịnh vượng cho năm mới. Hoa Đào và Quất là biểu tượng ngày Tết ở miền Bắc, biểu tượng cho sự đổi mới, sinh sôi nảy nở, được xem là tinh hoa của Ngũ hành. Cây Quất theo quan niệm dân gian là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên.
Như vậy, trong không khí giao hòa giữa đất trời vào tiết xuân, những bông hoa, cành cây trong nhà đem đến cho người nhà sức sống, tài lộc và những gì tươi đẹp nhất trong năm mới. Thú chơi hoa cây kiểng ngày Tết đã trở thành nét sống cổ truyền của người Việt, không những mang ý nghĩa tâm linh mà còn là nét đẹp trong tâm hồn người Việt. Một vườn hoa mang mùa xuân đến. Một nhành hoa mang nhiều tài lộc cho năm mới.
Đến Việt Nam ngày Tết, du khách có thể mang về một nhành mai, đào hoặc chậu phát tài nhỏ xinh vừa làm kỉ niệm vừa thưởng thức thú chơi hoa giống người Việt, mang chút hương xuân Việt về quê hương.
Ảnh: An Bùi | Bài: Ngọc Tuyết | Vietnam travel agency